Trong những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản được dịp trở nên sôi động khi cơn sốt diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điển hình trong đó là Bắc Giang và Bắc Ninh khi giá đất tăng chóng mặt, chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng gấp 2 - 3 lần, thậm chí có những nơi tăng tới 4 lần.
Theo báo cáo quý I/2021 của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, Bắc Giang trở thành đích ngắm của nhiều doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư khi lượng quan tâm tăng tới 265% so với quý IV/2020. Còn Bắc Ninh, nhờ thông tin quy hoạch sắp lên đô thị loại 1, thị xã Từ Sơn trở thành thành phố thuộc tỉnh, chỉ trong thời gian ngắn lượng quan tâm tại khu vực này cũng tăng 113% so với cuối năm 2020.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới bất động sản ở Bắc Ninh thời điểm đầu năm 2021. (ảnh Nguyễn Minh)
Tuy nhiên, đến cuối tháng 4 khi chính quyền bắt đầu siết chặt các hoạt động mua bán, thị trường Bắc Giang và Bắc Ninh bắt đầu chững lại. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Giang và Bắc Ninh trở thành 2 ổ dịch lớn nhất cả nước thời điểm đó. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh buộc 2 địa phương này phải thực hiện giãn cách xã hội.
Ngay lập tức, thị trường bất động sản tại Bắc Ninh, Bắc Giang đã rơi vào cảnh "đóng băng". Nhiều môi giới cho biết họ đã ngừng hoàn toàn mọi hoạt động mua bán.
Nhưng đến đầu tháng 7, sau 2 tháng siết chặt, Bắc Giang và Bắc Ninh có thể trở lại trạng thái "bình thường mới". Cùng với đó, hoạt động mua bán bất động sản tại 2 địa phương này tiếp tục diễn ra.
Đến nay, theo khảo sát của PV Dân Việt, giá đất tại Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ, mặc dù dịch bệnh tại Hà Nội và các tỉnh thành khác vẫn đang phức tạp.
Theo anh Huy Khải - môi giới tại Bắc Giang cho biết, hiện tại hoạt động mua bán tại khu vực này vẫn tiếp diễn sôi động và đang có xu hướng tăng nhẹ ở phân khúc đất thổ cư trung bình từ 5 - 7%, còn ở phân khúc đất nền dự án thì mức giá vẫn được giữ nguyên so với thời điểm sốt đất.
"Hơn 1 tháng nay hoạt động môi giới tại đây lại diễn ra bình thường. Các nhà đầu tư nội tỉnh và từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương... vẫn tìm về để mua đất, còn các nhà đầu tư tại Hà Nội hiện nay đang thực hiện theo Chỉ thị 16 nên chỉ dừng ở mức độ quan tâm", anh Khải chia sẻ.
Anh Khải cho biết, một mảnh đất của người dân rộng 128m2, nằm ở đường rộng 8m, gần với cụm khu công nghiệp Trung Sơn - Ninh Sơn. Thời điểm sốt mảnh đất có giá khoảng 1,2 tỷ đồng, tuy nhiên khi dịch bùng phát chủ nhà chưa thể bán. Mới đây, mảnh đất đã được bán cho một nhà đầu tư ở Thái Nguyên với giá 1,3 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 8% so với thời điểm sốt.
Khi được hỏi về lượng giao dịch trong thời điểm này, người môi giới cho biết, mặc dù là tháng 7 Âm lịch nhưng các nhà đầu tư vẫn mua bán bình thương, bởi trong mấy năm nay chỉ có những người đi mua nhà đất mới còn giữ quan niệm này. Bên cạnh đó, anh Khải cho biết, trung bình anh vẫn có khoảng 1 giao dịch/ngày.
Những lô đất thổ cư rõ ràng ở pháp lý ở Bắc Ninh, Bắc Giang được nhà đầu tư lựa chọn.
Ngoài ra, anh Khải cho biết thêm, vì sốt đất mới đi qua nhiều nhà đầu tư cũng rút ra được bài học, vì vậy mới có xu hướng lựa chọn đầu tư đất thổ cư đã có đầy đủ pháp lý để an toàn hơn, do đó, phân khúc đất thổ cư có sự tăng nhẹ.
Tương tự, theo lời một môi giới tại Bắc Ninh cũng cho rằng, hiện tại giá đất thổ cư tại khu vực này cũng tăng nhẹ từ 2 - 3% và tập trung vào các mảnh đất gần các khu công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho biết, dù dịch bệnh phức tạp nhưng đất gần các khu công nghiệp vẫn có sức hút.
"Hiện nay, Việt Nam vẫn là khu vực được các doanh nghiệp khối FDI ưu tiên đầu tư, vì vậy nếu họ đầu tư khu công nghiệp ở đâu chắc chắn hạ tầng sẽ được nâng cấp đồng bộ hơn. Ở miền Bắc điển hình là 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tập trung số lượng lớn khu công nghiệp, vì vậy cũng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân", ông Điệp nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhận định, sẽ không có những cơn sốt đất bùng phát mạnh mẽ như những tháng đầu năm, thay vào đó khi thị trường tái khởi động lại sẽ có xu hướng tăng đều.